Sông nước miền tây

Sông nước miền tây

Lại một mùa nước nổi đã đến, lũ về miền An Giang, Đồng Tháp. Ai cũng nôn nao muốn đến vùng tứ giác trũng này một lần cho biết mùa nước ngập, cho biết cái vị cá linh non nấu bông điên điển.

Từ Sài Gòn về An Giang xe đi ngang cao tốc Trung Lương, quý khách ghé vào nhà hàng Mekong Rest Stop để ăn sáng trước khi tiếp tục đi Long Xuyên qua ngã ba Sa Đéc, Đồng Tháp. Mekong Rest Stop thực sự là một trạm dừng chân có những nét riêng biệt. Đến đây, quý khách sẽ bắt gặp rất nhiều những hình ảnh quen thuộc của vùng quê sông nước Miền Tây như: ao sen, vó cá,... có thể nói trạm dừng chân như một cô thôn nữ mộc mạc mà đằm thắm, lôi kéo du khách bởi chính cái dịu dàng của cảnh vật và bằng những món quà lưu niệm dễ thương như: đặc sản nem thịt Mekong, tỏi lý sơn Quảng Ngãi, mít khô, điều, bánh kẹo, rượu dừa và các loại rượu khác như rượu rắn rồi các món ăn hương đồng cỏ nội như : gà nướng lu, cá tai tượng chiên xù, xôi phồng, cá hấp xì dầu, lươn nấu mẻ với giá cả hợp lý và phong cách phục vụ chuyên nghiệp.

Trạm dừng chân nằm cách ngã ba Trung Lương khoảng 3 km hướng về phía Sài Gòn, nằm cạnh trường Đại học Cộng Đồng Tiền Giang, được coi là cửa ngõ giao thương trọng điểm nối liền ba vùng: Sài Gòn, Miền Tây và Đông Nam Bộ. Món đặc sản ở đây là hủ tiếu Mỹ Tho, ngoài ra còn có mỳ, cơm tấm sườn ốp la,...

Sông nước Miền Tây đi đến đâu cũng mang một màu phù sa màu mỡ tưới tắm cho ruộng đồng tươi tốt. Đi xa về nghe cái vị phù sa thoảng trong từng làn gió có cảm giác như quê hương đang dang tay ôm ấp đứa con xa xứ trở về, cho nên bao lần qua những con phà, qua những trạm dừng chân là bấy nhiêu lần bâng khuâng hai tiếng đất mẹ.

Ngang qua vùng đất Đồng Tháp, quý khách sẽ thấy những tiệm bán bánh mỳ heo quay, những chùm nem treo lũng lẳng, những cần xé trái cây, bánh kẹo. Đồng Tháp là xứ sở của xoài “ xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh”, cũng là xứ sở của sen. Sen ở đây nhiều vô kể nào là hương sen, hạt sen, củ sen, loại nào cũng có. Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất này rất nhiều sản vật như xoài, sen, quýt loại nào cũng ngon.

Món thịt heo quay là món ăn khoái khẩu của người miền tây, đi bất kì đám nào cũng có món thịt heo quay ăn với bánh hỏi hoặc với bánh mỳ để nguội, dưa chua.

Miền Tây rộn rã ghe xuồng tất bật những chuyến phà xuôi ngược, mỗi hành trình trên dải đất Miền Tây đều gắn liền với một cây cầu, bờ kênh, một con phà ù ì chậm chạp. Đi phà Vàm Cống đứng lặng một chút ngắm nhìn tàu ghe qua lại trên sông, ngắm những mảnh đời của những người lao động nghèo buôn gánh bán buôn đủ thứ bổng cay cay sống mũi vì cái nơi mà mình đã được sinh ra và lớn lên. Dòng sông vẩn hững hờ trôi,con phà vẩn miệt mài với những hành trình xuôi ngược, từng con sóng gợn lao xao mặt nước lung linh dưới nắng chiều vàng êm ả, phía xa xa màu tím bình dị mộc mạc của hoa bần, của những cánh hoa lục bình nở tim tím trôi trên sông tạo cho dòng sông một khung cảnh mờ ảo huyền diệu.

Biết bao người rất yêu dòng sông này, dòng sông đã gắn bó với biết bao kỉ niệm tuổi thơ của họ, tuổi thơ trôi qua êm đềm như dòng sông hiền hòa của quê hương vô tư với những ngày sách vở đến trường, hồn nhiên cùng chúng bạn bên trang vở trắng tinh khôi. Ai đó trong chúng ta đã lớn lên trong sự tảo tần của bà, của mẹ đã gắn liền kí ức tuổi thơ  với những trái sơ ri, túi trà đá đường rẻ bèo mà với chúng ta ngày xưa đó là cả một sự thèm thuồng chờ đợi bởi ngày xưa nghèo lắm.

Bến phà Vàm Cống của ngày xưa và hôm nay vẩn vậy, những giãy phố bán buôn đủ thứ từ những cái bánh kẹo cho đến chùm nem chua, kẹo đậu phộng,... trong cái sự lộn xộn xô bồ của bán buôn có cái cảm giác nơi đây thật thân thương gần gũi, một hình ảnh thân thuộc như ở bao bến phà ở Miền Tây.

Bến phà dù lớn hay nhỏ, ở miệt thứ hay ở thị thành đều thấp thoáng những tiếng cười lẫn khuất bên những chùm nem, hàng trái cây. Qua phà Vàm Cống về đến thành phố Long Xuyên thì cũng đúng lúc trời đứng nắng. đi suốt một chặng đường khá dài nên quý khách ai cũng sẽ cảm thấy đói bụng, hãy dừng chân ở một nhà hàng tại Long Xuyên quý khách sẽ được nhà hàng chiêu đãi với thực đơn toàn đặc sản Miền Tây như món gỏi tôm thịt, cá diêu hồng chiên giòn,cá ba sa kho tộ, bồn bồn xào tép và đặc biệt món chủ lực của bữa ăn là lẩu mắm, một đặc sản mà ai khi đến Miền Tây cũng muốn thưởng thức.

Lẩu mắm Cà Mau là mắm sặc còn ở An Giang này là mắm cá linh ăn với các loại rau đặc trưng của vùng sông nước như rau nhút, rau muống, bông súng, bông chuối,... cá linh mùi thơm dễ chịu, độ mặn vừa phải, mỗi loại cá mắm đều cho một hương vi khác nhau. Ẩm thực Miền Tây quả thực là phong phú, mỗi loại thức ăn có một loại nước chấm, mỗi loại lẩu lại có những loại rau riêng.

Mùa lũ về cũng là mùa của bông điên điển trổ bông vàng rực sông hồ đồng ruộng, bông điên điển không chỉ tô điểm cho cảnh sắc thiên nhiên mùa nước nổi mà còn là món ăn quen thuộc của người dân địa phương vào mùa lũ, người Miền Tây đi hái bông điên điển chế biến những món ăn dân dã như dưa chua, canh chua, xào với tép, đổ bánh xèo,làm rau chấm,...

Bông điên điển đem lên Sài Gòn bán để ăn lẩu, ăn với các loại bún còn ở dưới quê tụi con nít hái mang về làm bánh xèo hay chấm mắm kho, nấu canh. Canh chua cá sặc nấu cùng bông điên điển và dĩa cá rô kho tộ chấm với các loại rau đồng vị ngòn ngọt, giòn giòn của bông trở thành món ăn đặc sản chỉ có trong mùa nước lũ.

Không chỉ là món ăn ngon, sắc bông điên điển là một hình ảnh khắc sâu trong nỗi nhớ quê hương của những người con miền tây xa xứ để rồi giờ đây mỗi khi nghe điệu hát bông điên điển vang lên đâu đó lại nghe lòng rưng rưng xa xăm “như bông mà điên điển nghiêng mình với đất quê”.

Hãy một lần ghé về Miền Tây để cùng trải nghiệm, tìm hiểu và khám phá những nét đẹp của quê hương, đất nước và con người nơi đây các bạn nhé!

 

 
Prev

Mùa nước nổi

Next

RỪNG TRÀM TRÀ SỰ

0909562062